Giới thiệu

TIÊN HÀ - MẢNH ĐẤT, CON NGƯỜI

               VÀ TRUYỀN THỐNG  ĐẤU TRANH YÊU NƯỚC  

1- Vị trí địa lí và đặc điểm tự nhiên

Tiên Hà là một xã miền núi của huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm của huyện Tiên Phước 17km về phía Đông Nam. Phía Đông giáp xã Tiên Cẩm, Tây giáp xã Bình Sơn (huyện Hiệp Đức), Nam giáp xã Tiên Châu, Bắc giáp xã Tiên Sơn. Diện tích tự nhiên của xã Tiên Hà hiện nay là 3.800,6ha, trong đó diện tích đất trồng cây hằng năm 581,0184ha, chiếm 15,287% tổng diện tích tự nhiên; đất trồng cây lâu năm 551,7801ha, chiếm 14,518% tổng diện tích tự nhiên; đất rừng sản xuất 2041,3267ha, chiếm 53,71% tổng diện tích tự nhiên; đất ở 25,2856ha, chiếm 0,665% tổng diện tích tự nhiên; đất chuyên dùng 33,5861ha, chiếm 0,883% tổng diện tích tự nhiên; đất tín ngưỡng 0,4012ha, chiếm 0,01% tổng diện tích tự nhiên; đất nghĩa trang, nghĩa địa 0,6294ha, chiếm 0,0165% tổng diện tích tự nhiên; đất sông suối mặt nước chuyên dùng 93,2945ha, chiếm 2,454% tổng diện tích tự nhiên; đất chưa sử dụng 473,2780ha, chiếm 12,452% tổng diện tích tự nhiên.

Xã Tiên Hà có diện tích đồi, gò, rừng chiếm hơn 2/3 diện tích tự nhiên, đặc điểm này quyết định mạng lưới sông suối, chế độ khí hậu và chứa đựng nguồn tài nguyên khoáng sản. Do đặc điểm tự nhiên hai phía là đồi núi, phía Nam có dãy núi Hòn Nhón - Hòn Tiền đến Bằng Đinh giáp Na Sơn, Đông Bình, trải dài theo thôn Tài Thành. Phía Bắc có dãy núi Hoắc từ điểm cao Đá Soọc đến Núi lớn trải dài từ thôn Trung An qua thôn Phú Vinh đến thôn Tiên Tráng, Đại Tráng; ở giữa có dòng sông Tiên (sông Khang) chảy dọc theo chiều dài của xã, nên địa hình của xã có hướng thấp dần từ hai bên núi đổ về sông và thấp dần từ Đông sang Tây, từ thượng nguồn sông Tiên về hạ nguồn. Do có 2 dãy núi bao bọc, ở giữa có dòng sông Tiên nên đã tạo cho Tiên Hà có những thung lũng, nhiều đồng ruộng, các vườn, nà quanh năm tươi tốt, thích hợp cho các loại cây công nghiệp và cây ăn quả. Tiên Hà còn có các ngọn núi cao như: Dương Đá Soọc (Núi Hoắc), Núi Lớn, Dương Chùa, Dương Thi, Dương Lý, Bằng Gia từng là cứ điểm của địch, là nơi xảy ra nhiều trận đánh tiêu diệt những tiểu đoàn, lữ đoàn Mỹ - ngụy.

Xã Tiên Hà có con sông lớn - sông Tiên (sông Khang) chảy qua. Sông Tiên, một nhánh bắt nguồn từ Quế Phương chảy qua các xã Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Kỳ. Một nhành khác từ Tiên An chảy qua Tiên Cảnh rồi hợp dòng tại Tiên Kỳ, chảy qua Tiên Châu rồi đến Tiên Hà đổ về Hiệp Đức. Đoạn qua xã Tiên Hà chiều dài 4.700 m, rộng trung bình 145m. Trong xã còn có con sông Khân, bắt nguồn từ xã Tiên Sơn chảy qua xã Bình Lâm vào Tiên Hà rồi đổ ra sông Tiên. Ngoài ra còn có nhiều con suối nhỏ, bắt nguồn từ các dãy núi phía đông và phía tây, cắt ngang theo chiều dài của xã rồi đổ vào sông Tiên như suối Rua bắt nguồn từ xã Tiên Cẩm, chảy qua thôn Tú An rồi đổ vào sông Tiên; suối Tuần từ thôn Phú Vinh chảy vào sông Tiên; suối Tà Ây, suối Cát, suối Lung, suối É, suối Rinh từ thôn Tài Thành chảy vào sông Tiên. Lưu lượng nước trên dòng sông Tiên về mùa mưa lũ rất lớn. Hàm lượng phù sa của dòng sông Tiên rất cao, luôn chuyển tải cho đôi bờ những màu mỡ phì nhiêu. Các loại cá nước ngọt trên dòng sông là nguồn thuỷ sản để cải thiện đời sống nhân dân. Trước đây, người dân thường tổ chức đánh bắt cá bằng chài lưới trên sông, vào cuối mùa Thu dân làng thường tổ chức làm “sa” để bắt cá. Các sa như: sa Hà Ra, sa Sếu…  Mỗi khi nước lụt tràn về tôm cá thường cuốn theo dòng nước bị các sa chặn lại, các con cá lớn thì bắt đem về chia cho dân làng ăn thịt, các con nhỏ được trả lại cho dòng sông. Vì vậy, cá trên sông không bao giờ hết. Trên dòng sông Tiên ngày trước còn có các bến đò như: bến Là Ngà, bến Sung, bến Khế…, là nơi chuyên chở qua lại giữa đôi bờ.

Về giao thông đường bộ, xã Tiên Hà có con đường chính (ĐH), từ xã Tiên Cẩm, chạy dọc theo chiều dài của xã hơn 12km đến tiếp giáp với xã Bình Sơn (Hiệp Đức) tại sông Khân. Đây là con đường có giá trị về mặt chiến thuật, nối liền giữa hậu phương và tiền tuyến trong chiến tranh. Trong kháng chiến chống Mỹ, chính con đường này đã từng chứng kiến những binh đoàn chủ lực của ta từ chiến khu tiến về giải phóng các huyện đồng bằng và bao chiến công của Quân Giải phóng làm thất bại thảm hại những cuộc hành quân càn quét “bình định và tìm diệt” của những sư đoàn, lữ đoàn Mỹ-ngụy. Đây là con đường nằm giữa khu căn cứ cách mạng, tiếp nối với đường 16 (nay là đường 14E), là nơi mà lần đầu tiên binh chủng Thiết Giáp xuất hiện tại chiến trường Khu 5 và cùng với bộ binh tiến công đánh chiếm chi khu quân sự quận lỵ Tiên Phước trong tháng 9 năm 1972. Năm 1975, cũng chính trên con đường này, các lực lượng bộ binh, xe tăng - thiết giáp, pháo binh, phòng không của ta từ căn cứ tiến vào giải phóng Tiên Phước, Tam Kỳ, Đà Nẵng, góp phần vào đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.

Ngoài ra còn có các con đường liên xã như: đường từ Trung An qua Tú Sơn (Tiên Cẩm), Tiên Châu đến thị trấn Tiên Kỳ - trung tâm huyện Tiên Phước; đường từ Tiên Tráng đi Bình Lâm, đến giáp hồ Việt An đến thị tứ Việt An được cấp phối đá. Đây là những con đường rất quan trọng để nhân dân đi lại mua bán, trao đổi hàng hoá với chợ Tiên Phước, chợ Việt An. Một số tuyến đường ngang trong xã cũng được bê tông hoá, tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.

Có thể nói, nằm ở vị trí thuận lợi, có đất bằng, có rừng núi, có con sông bồi đắp phù sa, cùng với hệ thống giao thông hoàn chỉnh, nối liền với các trung tâm kinh tế - thương mại trong vùng đã tạo điều kiện cho xã Tiên Hà thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

2. Đời sống vật chất tinh thần và lịch sử hình thành

Về kinh tế - xã hội

Tiên Hà là xã miền núi, xa các đô thị, thành phố. Từ xưa, người dân xã Tiên Hà sống chủ yếu bằng nghề nông, vẫn lấy “mảnh ruộng, con trâu làm đầu cơ nghiệp”, ngành nghề chính là nông nghiệp, trồng lúa, hoa màu, gắn với chăn nuôi gia cầm, gia súc theo đơn vị hộ gia đình. Do diện tích đất sản xuất lúa chiếm tỷ lệ thấp, điều kiện canh tác ít thuận lợi, chủ yếu trông vào “mưa thuận, gió hòa”, bên cạnh đó rừng, đồi, gò, nà vốn là thế mạnh nên nhân dân ở đây sớm đưa kinh tế vườn trở thành nhân tố quan trọng trong kinh tế gia đình. Các cây lưu niên đặc sản như: mít, chè, chuối, hồ tiêu, trầu, trẩu, quế, cau được xen canh cây có tán thấp, nhất là thơm (dứa) đã góp phần tích cực cải thiện đời sống người dân. Bên cạnh nghề nông, Tiên Hà còn có các ngành nghề phụ như: mộc, rèn, nề, đan đát, làm đồ ăn chay… Mặc dầu đất đai canh tác không được nhiều như những địa phương khác trong huyện, lại bị phân tán thành những cánh đồng nhỏ, bậc thang, độ màu mỡ của đất thuộc loại trung bình, chỉ có vài cánh đồng ruộng tốt nhờ phù sa của con sông Tiên đem lại, song với tinh thần lao động cần cù, người dân nơi đây biết tận dụng những nguồn ưu đãi của thiên nhiên để làm giàu cho cuộc sống.

Là vùng đất có điều kiện thuận lợi về giao thông đường bộ, nơi tiếp giáp với thị trấn Tiên Kỳ, thị tứ Tiên Cẩm, thị tứ Việt An, thị tứ An Tráng; về đường thuỷ, từ xưa các cư dân sinh sống trên vùng đất Tiên Hà đã biết tận dụng đường thuỷ để vận chuyển hàng hoá. Những chuyến ghe bầu, bè tre chuyên chở hàng lâm, thổ sản theo dòng sông Tiên xuôi đến Hòn kẽm - Đá Dừng, Trung Phước theo dòng sông Thu Bồn rồi xuôi về Phố Hội, là nơi vận chuyển quan trọng trong mua bán giữa miền ngược và miền xuôi. Quế, chè, tiêu, mít, trầu thơm, cau dẻo là những đặc sản của kinh tế vườn ở xã Tiên Hà. Sự trao đổi hàng hoá từ nguồn xuống biển và từ dưới biển lên nguồn đã trở thành câu ca trong dân gian:

Ai về nhắn với bạn nguồn

Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên.

Vùng đất Tiên Hà ngày nay, thời Hán thuộc huyện Lư Dung ([1]), về sau thuộc đất Chiêm Động của Chiêm Thành, sang thời nhà Trần thuộc Hoá Châu, thời Lê thuộc huyện Lệ Giang, Phủ Thăng Hoa . Triều Nguyễn năm Thiệu Trị thứ 1 (1841) phủ Thăng Hoa được đổi làm phủ Thăng Bình. Vùng đất Tiên Hà ngày nay, lúc bấy giờ thuộc huyện Lễ Dương (phủ Thăng Bình). Năm 1907, một đạo dụ của vua Thành Thái, đổi huyện Hà Đông thành phủ Hà Đông, rồi sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ, vùng đất Tiên Hà ngày nay, lúc bấy giờ thuộc phủ Tam Kỳ. Năm 1920, thực dân Pháp chủ trương cắt một số xã phía tây của phủ Tam Kỳ, sáp nhập với các xã vùng thấp của Trà My để thành lập huyện Tiên Phước. Vùng đất Tiên Hà lúc bấy giờ thuộc về 2 tổng: Các làng Trung An, Tú An thuộc tổng Tiên Quý; các làng Phú Vinh, Tiên Tráng, Đại Tráng, Tài Thành và An Lâm thuộc tổng Đông Việt, huyện Tiên Phước.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời. Để thuận tiện cho việc chỉ đạo phong trào cách mạng và thống nhất địa giới hành chính cấp xã, tháng 2 năm 1946, Nhà nước chủ trương hợp xã lần thứ nhất và giải thể cấp tổng thời Pháp thuộc để thành lập xã mới. Vùng đất Tiên Hà bấy giờ thuộc 2 xã. Xã Liên Hiệp (Tiên Tráng, Đại Tráng, Tài Thành, An Lâm) và xã Nam Sơn (Trung An, Tú An, Phú Vinh). Năm 1947, theo chủ trương của Hội đồng Chính phủ, Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các huyện tổ chức hợp xã lần thứ ba, 2 xã Nam Sơn và Liên Hiệp được sáp nhập với xã Cẩm Y thành xã Tiên  Quang.  

          Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hoà bình được lập lại. Nhưng đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định, phá hoại công cuộc thống nhất nước Việt Nam, gạt thực dân Pháp ra khỏi miền Nam, xây dựng chính quyền thân Mỹ từ trung ương đến cơ sở. Năm 1955, tại khu vực xã Tiên Quang, chính quyền Diệm chia ra làm 2 xã, lấy tên là Phước Hà và Phước Cẩm. Chúng đưa các tên tay sai phản động về tổ chức thành lập Hội đồng hương chính xã để kìm kẹp nhân dân, chống phá phong trào cách mạng. Chúng chia xã Phước Hà ra làm 5 thôn, thôn 1 (Trung An, Tú An), thôn 2 (Phú Vinh), thôn 3 (Tiên Tráng), thôn 4 (Đại Tráng) và thôn 5 (Tài Thành, An Lâm). Mỗi thôn có thôn trưởng, thôn phó, dưới thôn tổ chức ra các liên gia (ngũ gia liên bảo) để khống chế, kìm kẹp nhân dân gắt gao.

Để tập trung chỉ đạo phong trào toàn dân kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở các xã phía tây của tỉnh Quảng Nam thuộc các huyện Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn, tháng 7 năm 1969, Tỉnh uỷ Quảng Nam ban hành Quyết định thành lập huyện mới Quế Tiên, gồm có các xã Sơn Tân, Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn An, Sơn Hoà (thuộc huyện Quế Sơn), các xã Phước Sơn, Phước Cẩm, Phước Hà (thuộc huyện Tiên Phước), các xã Bình Lâm, Thăng Phước (thuộc huyện Thăng Bình). Vùng đất Tiên Hà bấy giờ thuộc huyện Quế Tiên, tỉnh Quảng Nam.

Tháng 6 năm 1972, thôn 4 xã Phước Sơn (trên dốc Xoài) nằm ngay trong tầm hoả lực khống chế của địch ở đồn Núi Ngang. Để tránh tổn thất cho nhân dân, Huyện uỷ Quế Tiên quyết định di dời số dân trụ bám tại đây xuống phía dưới dốc Xoài thuộc thôn 2 xã Phước Hà để sinh sống và được đặt tên là thôn 6 xã Phước Hà. Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, thôn 6 xã Phước Hà giải thể, nhân dân thôn 4 xã Phước Sơn về lại nơi ở cũ.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 6 năm 1975, Tỉnh uỷ Quảng Nam ban hành Quyết định giải thể huyện Quế Tiên, các xã được giao lại cho các huyện Quế Sơn, Tiên Phước, Thăng Bình. Vùng đất xã Tiên Hà bấy giờ thuộc xã Phước Hà, huyện Tiên Phước.

Tháng 6 năm 1977, theo quyết định của Tỉnh ủy Quảng Nam, các xã Phước Hà, Phước Cẩm được sáp nhập lại thành xã Tiên Quang. Phần đất xã Tiên Hà bấy giờ nằm ở các thôn 4, 5, 6, 7, 8 thuộc xã Tiên Quang.

 Tháng 10 năm 1981, theo Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), xã Tiên Quang được tách ra thành 2 xã: Tiên Hà và Tiên Cẩm. Xã Tiên Hà còn lại các thôn 4,5,6,7,8 (Tiên Quang), được gọi là thôn 1, 2, 3, 4, 5. Tháng 4 năm 2002, theo Quyết định của Chính phủ, các thôn được lấy lại các tên đã đặt của vùng đất củ. Hiện nay, xã Tiên Hà có 6 thôn: Trung An, Tú An, Phú Vinh, Tiên Tráng, Đại Tráng và Tài Thành.

Tính đến tháng 8 năm 2009, dân số xã Tiên Hà có 991 hộ, 4556 nhân khẩu, phân bố ở các thôn như sau:

Thôn Trung An:    219 hộ, 1025 khẩu

Thôn Tú An:         74 hộ, 406 nhân khẩu

Thôn Phú Vinh:    298 hộ, 1407 nhân khẩu

Thôn Tiên Tráng: 137 hộ, 685 nhân khẩu

Thôn Đại Tráng:   168 hộ, 647 nhân khẩu

Thôn Tài Thành:   87 hộ, 386 nhân khẩu

Về văn hóa:

Kết quả điều tra khảo cổ học tại Gò Miếu, Gò Quảng thuộc thôn Tiên Tráng và dọc theo bờ sông Tiên cho thấy, cách ngày nay khoảng trên 2.500 năm, địa bàn xã Tiên Hà hiện nay đã từng là nơi sinh sống của cư dân văn hoá Sa Huỳnh.

Từ giữa thế kỷ XV, người Kinh mà chủ yếu là từ Nghệ Tĩnh, Thanh Hoá bắt đầu đến vùng đất Quảng Nam tụ cư, sinh cơ lập nghiệp. Những cư dân có nguồn gốc lâu đời nhất ở Quảng Nam đã trải qua 15 - 16 đời, khoảng 500 năm.

Từ khi người Việt có mặt tại mảnh đất Quảng Nam, sau đó là các ông tiền hiền đến khai phá vùng đất mới ở miền Tây để “mở đất, mở nước”. Theo Gia phả của các tộc họ ở Tiên Hà còn lưu lại, tại Nà Lấu xứ, thôn Tiên Tráng có ngôi mộ ông Lưu Lúa - ông tổ 15 đời của tộc Lưu; tại Hói Cầu xứ, thôn Tài Thành, có ngôi mộ của ông Nguyễn Thế Lan - ông tổ 13 đời của tộc Nguyễn; tại Lộc Không xứ, thôn Đại Tráng có ngôi mộ của ông Lê Tấn - ông tổ 12 đời tộc Lê. Đến vùng đất của Tiên Hà hiện nay, họ nhận thấy nơi đây “sơn thuỷ hữu tình”, nhưng cũng đầy ắp những lo toan và ngỡ ngàng về vùng đất mới. Sự khác biệt với quê hương, cội nguồn, đất đai, sông nước, khí hậu, núi rừng đã khiến cho các lưu dân Việt phải tập trung khai phá đất đai, tổ chức thành các cộng đồng: gia đình, tộc họ, làng xã để chống lại thú dữ và thiên nhiên khắc nghiệt. Thiếu nước, thiếu phân, đất bạc màu, người dân nơi đây phải phụ thuộc vào thiên nhiên, phải cầu khẩn “Thành hoàng, bổn thổ” cho “Trời mưa thuận gió hoà”. Những câu ca dao mà bây giờ còn vọng lại:

         “Trông trời, trông đất, trông mây,

                 Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm,

           Trông cho chân cứng, đá mềm,

                 Trời yên, bể lặng mới yên tấm lòng

Từ những điều kiện trên, ban đầu các vị chi linh đến vùng đất mới để khai phá, mở rộng diện tích, lập ranh giới, chiêu dụ dân các nơi đến đông đúc, vùng đất nơi đây ngày thêm phong phú. Để chia nhau quản lý từng khu vực, Hội đồng làng thành lập ra các xứ, đồng thời chia xã ra thành các phái: phái Đông, phái Tây, phái Nam, phái Bắc, phái Trung. Xây dựng các quy định, quy chế để phân biệt đẳng cấp giữa các tộc họ, dựa trên 4 nguyên tắc: Danh, Tài, Đinh, Thọ để phân định ngôi thứ.

Người dân Tiên Hà sống chủ yếu dựa vào nghề nông, làm ruộng rẫy và vườn. Ngoài ra, lưu thông hàng hoá trên sông, trên bộ đã sớm hình thành và trở nên một phương thức kinh tế mới ở vùng đất xứ Quảng này. Con đường lưu thông hàng hoá lâm, thổ sản từ Tiên Phước xuống sông Tiên và từ đó đổ ra Hội An. Một lượng hàng hoá khác đi từ Tiên Hà ra Việt An theo tuyến đường Đo Đo về Kế Xuyên. Do những đặc điểm trên nên người dân Tiên Hà luôn cần cù trong lao động, kiên quyết, dũng cảm trong đấu tranh với thiên nhiên để sinh tồn và phát triển nên ý thức cộng đồng luôn được trân trọng, giữ gìn và phát huy. Sự biến thiên của lịch sử và quá trình đấu tranh với thiên nhiên và xã hội để tồn tại và phát triển đã tạo cho người dân Tiên Hà có tính tình bộc trực, hiếu khách, sống với nhau đoàn kết, son sắt, thuỷ chung, trọng điều nhân nghĩa. Nơi đây đã từng chứng kiến bao sự thăng trầm của một quá khứ nhọc nhằn, thấm đẫm mồ hôi, ngập đầy hương vị ngọt bùi và cay đắng của những người khai phá.

Do hoàn cảnh đã tạo nên các cộng đồng: gia đình, tộc họ, làng xã, là cái gốc chính để phát triển sau này trở thành mối quan hệ trên cái nền nhân nghĩa, thể hiện ở 3 hạt nhân chính Gia đình - Làng xã - Tổ quốc. Ở các làng Trung An: tộc Dủ tiền hiền, tộc Võ Văn, tộc Nguyễn Phước hậu hiền; Tú An có tộc Võ Văn tiền hiền, tộc Nguyễn Văn hậu hiền; Phú Vinh: tộc Nguyễn Tấn tiền hiền, tộc Trương Văn hậu hiền; Tiên Tráng: tộc Lưu Văn tiền hiền, tộc Võ Văn hậu hiền; Đại Tráng: tộc Nguyễn Văn tiền hiền, tộc Lê Tấn hậu hiền; Tài Thành tộc Nguyễn Quới tiền hiền, tộc Đoàn Công hậu hiền. Từ phong thổ của một địa bàn trung du bán sơn địa với biết bao khắc nghiệt do thiên tai, thú dữ và sự chèn ép của các thế lực phong kiến và ách thống trị của thực dân đã tạo cho con người Tiên Hà có những đức tính cần cù, chịu khó, bộc trực, thủy chung, hiếu học và mến khách. Có thể nói, hầu hết các thôn xóm ở xã Tiên Hà ngày nay, đến đâu chúng ta cũng bắt gặp các mối quan hệ nghĩa tình, thuỷ chung, tình làng, nghĩa xóm, hiếu thảo, trung thành... như: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân” v.v... Chính dựa trên cái nền chung và nhất quán là nhân nghĩa, lấy nhân nghĩa làm đầu, coi nhân nghĩa làm trọng, nên cộng đồng Gia đình - Làng xã - Tổ quốc ở Tiên Hà luôn bền chặt và tồn tại cùng lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Tính cộng đồng ấy còn ăn sâu vào cõi tâm linh, đó là tín ngưỡng nên các vị thần linh được thờ cúng cũng có tính cộng đồng. Trong hầu hết các làng xã ở Tiên Hà đều có Đình làng để thờ Thành Hoàng, Bổn Thổ và các vị Tiền Hiền, người có công khai khẩn ra vùng đất mà hậu sinh đang sinh sống. Đình làng Đại Tráng, được xây dựng tại Đất Làng, Đình làng Tiên Tráng được xây dựng tại Cấm Làng, Đình làng Tài Thành được xây dựng tại Gò Miếu, Đình làng Phú Vinh được xây dựng tại dương Thầy Hai, nay là Trường Khuyết tật xã Tiên Hà.

Tại làng Trung An có một ngôi Đình làng lớn và uy nghi nhất. Ngôi đình được thiết kế 3 gian 2 chái, có tiền đường, hậu tẩm. Ngôi đình tựa lưng vào Rừng Cấm, phía trước là sân vận động Nam Sơn thoáng rộng ([2]). Trong đình, Thành Hoàng thờ ở chính giữa, hai bên thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền. Ngày lễ cúng Tiền hiền ở làng là lễ hội làng, mang đậm nét các nghi thức, lễ thức, tuyệt nhiên không có biểu hiện gì về mê tín dị đoan. Điều ấy chứng tỏ, càng trân trọng các vị tiền nhơn công đức bao nhiêu, người dân nơi đây càng có lòng tự hào về một vùng đất, vùng quê giàu đẹp, lòng biết ơn với các vị tiền nhơn đã đem lại sự thịnh vượng cho tộc họ, cho dân làng, làm cho đời sống dân làng thêm phong phú, góp phần giáo dục truyền thống, xây dựng con người mới, đồng thời góp phần làm lành mạnh hoá xã hội. Hằng năm, ngoài lễ cúng Tiền hiền, theo định kỳ trong làng còn tổ chức Lễ rước Sắc ở đình làng. Hiện nay, do chiến tranh tàn phá, ngôi đình và các thư tịch không còn. Về cộng đồng người dân Tiên Hà, ngoài người kinh, số người đến sau, có các hộ dân thuộc người Minh Hương (Hoa kiều), họ đến đây vào khoảng thế kỷ XIX, ở làng Tài Thành, An Lâm 5 hộ (các hộ Ông Tú, ông Hai Lỳ, ông Lết, ông Nấu, ông Khoán), ở làng Phú Vinh có 3 hộ (các hộ ông Khách Tú, Chú Mới và Chú Lục). Họ tổ chức xây dựng Lò chén ở Tài Thành, An Lâm khai thác cao lanh ở Tiên Sơn, Phước Tuy (Bình Sơn) về làm ra các sản phẩm như chén, bát, ly, bình. Theo các cụ cao niên kể lại thì Lò chén này do người Hoa có tên là Trầm Phong (ông nội chú của ông Trầm Đại Nghĩa) đã đến vùng đất này sinh sống lập nghiệp và lập nên vào khoảng cuối thế kỷ XIX. So với Lò chén Phú Lâm (xã Tiên Sơn), Đèo Le (Quế Sơn), thì Lò chén này ra đời sớm hơn. Về sau, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Lò chén ngừng hoạt động, các hộ người Hoa tại đây chuyển đi nơi khác, chỉ còn cháu chắt họ Trầm ở lại đến ngày nay như gia đình ông Trầm Đại Lâm, Trầm Đại Châu, Trầm Đại Nghĩa … sinh sống tại thôn Tài Thành và thôn Tiên Tráng.

Hình ảnh:



Sản xuất phù chúc tại Tiên Hà



Cam da trơn Tiên Hà



Suối Lung Tiên Hà và Cá






Mô hình trồng Tiêu













Thông báo


Thăm dò ý kiến


Xin bạn cho ý kiến về cổng thông tin của chúng tôi ?




Kết quả bình chọn

Xin bạn cho ý kiến về cổng thông tin của chúng tôi ?

Bình thường
 
3.6%
2 Phiếu
Đẹp, tiện lợi tra cứu
 
12.7%
7 Phiếu
Cần chỉnh sửa thêm
 
83.6%
46 Phiếu
Tổng cộng: 55 Phiếu
X

LIÊN KẾT WEBSITE

DỰ BÁO THỜI TIẾT

Error An error has occurred.
Error: DỰ BÁO THỜI TIẾT is currently unavailable.

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ TIÊN HÀ, HUYỆN TIÊN PHƯỚC
Địa chỉ: Xã Tiên Hà - Tiên Phước - Quảng Nam
Phát triển bởi Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Truyền Thông Quảng Nam (QTI)

Tổng số lượt truy cập